Chính phủ nêu 7 nhiệm vụ trọng tâm để phát triển Cần Thơ

Chính phủ vừa ban hành chương trình hành động để xây dựng và phát triển TP Cần Thơ là đô thị hạt nhân, là trung tâm kinh tế của vùng ĐBSCL trong thời gian tới.

Chính phủ nêu 7 nhiệm vụ trọng tâm để phát triển Cần Thơ  - 1

Bến Ninh Kiều Cần Thơ nhìn từ trên cao

Ngày 30/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Nghị quyết số 98/NQ-CP Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Việc xây dựng và ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhằm thống nhất trong công tác chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức quán triệt, triển khai, tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức các cấp, các ngành và nhân dân TP Cần Thơ về tầm quan trọng của việc triển khai Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã nêu tại Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị nhằm khai thác, phát huy hiệu quả, tiềm năng, lợi thế của thành phố Cần Thơ.

Mục tiêu đặt ra là trong giai đoạn 2021-2025, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 5 năm đạt mức 7,5-8%/năm. Vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10-12,5%/năm. Phấn đấu tổng thu ngân sách Nhà nước hàng năm đạt và vượt chỉ tiêu dự toán Trung ương giao. Tốc độ đổi mới công nghệ máy móc, thiết bị đạt 12-13%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân hằng năm từ 11-15%. Đến năm 2025, GRDP/người đạt 6.200-6.800 USD.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và thành phố Cần Thơ chủ động xây dựng kế hoạch hành động triển khai 10 nhiệm vụ, giải pháp tại nghị quyết 59 của Bộ Chính trị, trong đó tập trung 7 nhiệm vụ trọng tâm.

Tuyên truyền tạo sự đồng thuận của xã hội trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị.

Thực hiện tốt công tác quy hoạch và hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển các ngành, lĩnh vực trọng tâm để phát huy vai trò là trung tâm, cực tăng trưởng của vùng ĐBSCL và cả nước.

Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ hiện đại, kết nối. Trong đó tập trung nguồn lực để nghiên cứu, thực hiện hoàn thành các dự án trọng điểm kết nối vùng và liên vùng như cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ - Cà Mau, cầu Mỹ Thuận 2, cầu Cần Thơ 2….

Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế, đặc biệt là trong các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học và công nghệ, các lĩnh vực xã hội, môi trường và bảo đảm quốc phòng an ninh; khẳng định vị thế là trung tâm giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế chuyên sâu của vùng ĐBSCL, thực hiện tốt công tác tôn giáo, dân tộc.

Tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng ĐBSCL- TPHCM và các tỉnh, thành phố khác trong cả nước.

Thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng gắn với cải cách hành chính, xây dựng bộ máy chính quyền các cấp tinh gọn, năng động, hiệu lực, hiệu quả.

Hoàng Tùng

Mới hơn Cũ hơn