Số phận những binh sĩ Mỹ tử nạn trong vụ đánh bom sân bay Kabul

Rylee McCollum, một trong số những binh sĩ tử vong trong vụ đánh bom đẫm máu tại sân bay Kabul hôm 26/8, mới chỉ vài tháng tuổi khi nước Mỹ bị tấn công khủng bố kinh hoàng vào ngày 11/9/2001.

Số phận những binh sĩ Mỹ tử nạn trong vụ đánh bom sân bay Kabul - 1

Binh sĩ Rylee McCollum thiệt mạng trong vụ đánh bom liều chết tại sân bay Kabul hôm 26/8 (Ảnh: Gia đình cung cấp/New York Times).

Dù Bộ Quốc phòng Mỹ chưa chính thức công bố danh sách các nạn nhân nhưng tên tuổi và thông tin của họ đã bắt đầu xuất hiện trong các bài đăng trên mạng xã hội của gia đình và bạn bè.

20 năm sau, khi chỉ còn vài ngày là Mỹ sẽ hoàn tất việc rút quân ra khỏi Afghanistan, Rylee McCollum lại trở thành một trong những nạn nhân mới nhất trong cuộc chiến kéo dài nhất của nước Mỹ.

Sau khi binh sĩ McCollum được điều đến Afghanistan cùng đơn vị Thủy quân lục chiến, người cha Jim McCollum liên tục mở điện thoại để tìm chấm xanh nhỏ ngay bên cạnh tên của anh. Ông không có nhiều cơ hội để trò chuyện với con, nhưng khi theo dõi dấu chấm xanh này, ông biết con trai đang online và vẫn ổn.

Khi biết tin về vụ đánh bom bên ngoài sân bay Kabul hôm 26/8 khiến 13 binh sĩ Mỹ thiệt mạng, ông McCollum lo lắng kiểm tra. Ông nhắn cho con trai: "Này con, mọi việc vẫn ổn chứ?".

Nhưng dấu chấm xanh không còn hiện ra nữa. "Tim tôi nhói đau và biết điều gì đã xảy ra", ông McCollum nói và cho biết, con trai ông lần đầu tiên tham chiến ở nước ngoài, vừa kết hôn và sắp lên chức bố.

Những lo sợ của ông McCollum thành hiện thực khi hai binh sĩ gõ cửa nhà vào lúc 3 giờ 30 sáng để báo tin. Đêm đó, các gia đình khác tại các cộng đồng lớn nhỏ đã nhận tin nghiệt ngã tương tự.

Một số thi thể binh sĩ thiệt mạng đã được giao về cho Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 1 Thủy quân lục chiến đóng tại Trại Pendleton, California. Vào tối 26/8, nơi đây đã tổ chức một buổi cầu nguyện cho các nạn nhân.

Những nạn nhân thương vong cuối cùng

Số phận những binh sĩ Mỹ tử nạn trong vụ đánh bom sân bay Kabul - 2

Người dân đặt hoa tưởng niệm các binh sĩ bên ngoài Trại Pendleton ở Oceanside, bang California hôm 26/8 (Ảnh: Getty).

Ngày 27/8, McCollum là người đầu tiên trong số 13 binh sĩ Mỹ tử nạn được công khai danh tính. Đây là con số tử vong cao nhất của quân đội Mỹ trong một vụ tấn công ở Afghanistan 10 năm qua.

Trong khi Bộ Quốc phòng Mỹ hiện chưa đưa ra thống kê chính thức về các nạn nhân, tên tuổi và thông tin của họ đã bắt đầu xuất hiện trong các bài đăng trên mạng xã hội của gia đình, bạn bè và những thông báo chia buồn từ các trường nơi các binh sĩ từng theo học.

Không chỉ McCollum, nhiều binh sĩ thiệt mạng như McCollum chỉ mới là trẻ sơ sinh khi Mỹ tấn công Afghanistan vào năm 2001. Thậm chí có binh sĩ còn chưa ra đời khi đó. Và giờ họ là một trong số những nạn nhân thương vong mới nhất trong cuộc chiến kéo dài suốt 20 năm qua của nước Mỹ.

Đơn vị của hạ sĩ McCollum được điều từ Jordan đến Afghanistan nhận nhiệm vụ đảm bảo an ninh và giúp tiến trình sơ tán, cha của anh cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với New York Times hôm 27/8. Anh được giao nhiệm vụ canh gác tại trạm kiểm soát ra vào sân bay Kabul khi vụ nổ bom xé toạc cổng chính vào sân bay vốn rất hỗn loạn.

Trong một trường hợp khác, binh sĩ Maxton Soviak làm nhiệm vụ của một nhân viên cứu thương của Hải quân Mỹ khi vụ đánh bom xảy ra. Tin tử nạn của binh sĩ Maxton Soviak khiến cộng đồng nhỏ phía bắc Ohio, nơi anh sinh sống, xôn xao.

Tại bang đông dân nhất California, hai binh sĩ trẻ cũng có tên. Đó là Hunter Lopez, 22 tuổi, lính thủy đánh bộ và là con trai của sĩ quan Sở Cảnh sát trưởng quận Riverside. Binh sĩ khác là Kareem Nikoui, nhà vô địch võ thuật trẻ tuổi đến từ Norco.

Một ngày sau vụ đánh bom, mẹ của Nikoui, bà Shana Chappell, đã đăng một bức ảnh lên tài khoản Instagram của con trai mình với nụ cười tươi, tay cầm khẩu súng trường bảo vệ an ninh giữa đám đông thường dân và hàng rào dây thép gai ở cổng sân bay ở Kabul. "Đây là bức ảnh cuối cùng mà con trai tôi gửi về. Nó được chụp vào ngày 22/8. Tôi bị sốc. Tôi đang hét lên và không tin điều đó là sự thật", bà viết trên mạng xã hội cá nhân.Cha của binh sĩ này, ông Nikoui, cho biết rất tức giận về cách Tổng thống Mỹ Joe Biden xử lý về vụ việc này và càng tức giận hơn với cách xử lý của quân đội. "Các chỉ huy thực địa lẽ ra phải nhận ra mối đe dọa này và giải quyết nó", ông đau đớn nói.

Gia đình Nikoui cho biết đang đợi người giúp sắp xếp đưa vợ chồng ông đến căn cứ Không quân ở Delaware, nơi thi thể con trai sẽ được hồi hương trong những ngày tới.

Thanh Thành

Theo New York Times

Mới hơn Cũ hơn