Đại biểu Quốc hội đề xuất lập ngành "Covid học"

Ngày 21/10, tại phiên thảo luận ở tổ của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế có ý kiến đề xuất thành lập "ngành Covid học".

Cụ thể, tại phiên thảo luận do ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Thừa Thiên Huế chủ trì, các đại biểu trao đổi về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Trong phiên thảo luận, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu khẳng định, Chính phủ đã chuyển hướng rất kịp thời, linh hoạt từ chủ trương "Zero Covid-19" sang thích ứng an toàn, linh hoạt để nỗ lực đạt được 2 mục tiêu là kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và phát triển KT-XH.

Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đánh giá  các gói hỗ trợ an sinh xã hội, kinh tế triển khai minh bạch, đúng hướng.

"Trong bối cảnh dịch Covid-19, Chính phủ đã có nhiều chính sách khác nhau nhưng cùng mục tiêu hỗ trợ cho người dân, người lao động gặp khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc miễn giảm, hoãn các loại phí thuế, cung cấp các khoản vay bảo lãnh, tín dụng, giảm giá điện, nước... Việc xác định các đối tượng được hỗ trợ đã nhận được sự đồng thuận cao trong cộng đồng doanh nghiệp, người dân, các chuyên gia và cả các cơ quan nhà nước".

Ông Lê Trường Lưu đề nghị, vấn đề gì tầm quốc gia, tầm của Chính phủ, của Trung ương thì thống nhất, địa phương thực hiện theo chỉ đạo; còn vấn đề gì của địa phương thì phân cấp cho địa phương để địa phương chủ động có giải pháp linh hoạt quản lý, điều hành, chịu trách nhiệm.

Đại biểu cũng đề xuất, việc "mở cửa" cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh cũng cần thận trọng, tính toán kỹ các kịch bản.

Chính phủ cần có "liều thuốc" hỗ trợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng đại dịch; cần cơ cấu lại một số ngành, lĩnh vực cho phù hợp ví dụ như lĩnh vực y tế cũng cần cơ cấu lại để phù hợp với chuyên môn, năng lực của ngành y tế trong khám chữa bệnh.

Đại biểu Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế nêu ý kiến cụ thể: Chính phủ cần xem xét lại hệ thống hồi sức, hệ thống điều trị đảm bảo thích ứng hoạt động khám, chữa bệnh thông thường và vừa chữa bệnh nhân Covid-19, thậm chí thành lập một ngành gọi là "Ngành Covid học".

Đại biểu Quốc hội đề xuất lập ngành Covid học - 1 Đại biểu Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế (đứng) đề xuất Chính phủ cần thành lập "Ngành Covid học" (Ảnh: Sơn Thái).

Theo đề xuất của Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, trong ngành có quy định phân loại các trường hợp người nhiễm F0 thông thường không cần phải điều trị, người nhiễm F0 không có biến chứng, người F0 điều trị hồi sức, người F0 có bệnh nền, người F0 ở phụ nữ có thai…

"Trên cơ sở đó, ngành Covid học sẽ phát triển và sớm hay muộn, đặc biệt là các bệnh viện lớn cũng phải thành lập các trung tâm hồi sức và các trung tâm nghiên cứu và điều trị về Covid" - đại biểu Phạm Như Hiệp nêu ý kiến.

Đồng quan điểm với đại biểu Hiệp, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế - bà Nguyễn Thị Sửu cho hay, Chính phủ cần quan tâm thêm chiến lược tổng thể về phòng chống dịch Covid-19 có vai trò tham gia của nhà quản lý chuyên ngành để có nền tảng cơ bản hội nhập quốc tế.

Qua buổi thảo luận ở tổ, Đoàn ĐBQH Thừa Thiên Huế tin tưởng, với sự điều hành quyết liệt, điều chỉnh linh hoạt của Chính phủ, nền kinh tế của nước ta sẽ có những khởi sắc ở năm 2022 tới.

Đại Dương

Mới hơn Cũ hơn