Đấu giá mỏ cát sông, mức khởi điểm 7,2 tỷ, giá trúng thầu gần 3.000 tỷ

Ngành chức năng An Giang ghi nhận có 52 điểm nằm trong cảnh báo sạt lở, ảnh hưởng 20.000 hộ dân. Lãnh đạo tỉnh đề cập nguyên nhân sạt lở do tình trạng khai thác cát nhưng việc này "chưa thể dừng".

Sạt lở đặc biệt nguy hiểm đe dọa hơn 5.300 hộ dân

Ngành chức năng tỉnh An Giang cho biết, những năm gần đây địa phương này và nhiều tỉnh khu vực ĐBSCL do bị tác động bởi biến đổi khí hậu, tình hình thiên tai, sạt lở diễn biến phức tạp, Tình trạng sạt lở diễn ra dọc bờ sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao và hệ thống kênh rạch ngày càng nghiêm trọng, nhất là giữa mùa khô.

Theo kết quả quan trắc và cảnh báo sạt lở gần đây trên địa bàn An Giang cho thấy, toàn tỉnh ghi nhận 52 điểm nằm trong cảnh báo sạt lở, với chiều dài hơn 162km, có khả năng gây ảnh hưởng đến khoảng 20.000 hộ dân; trong đó, có hơn 5.300 hộ dân cần di dời khẩn cấp ra khỏi khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm.

Đấu giá mỏ cát sông, mức khởi điểm 7,2 tỷ, giá trúng thầu gần 3.000 tỷ - 1

Một đoạn quốc lộ 91 (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) bị sạt lở nghiêm trọng vào 8/2019 (Ảnh: Minh Anh).

Ông Trần Anh Thư - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trong 52 điểm được cảnh báo sạt lở, An Giang vừa rà soát lại, có 20 điểm nằm trong nhóm nguy cơ sạt lở đặc biệt nghiêm trọng. Từ nguồn vốn Trung ương, 3 năm qua, An Giang đã xử lý, khắc phục 12 điểm, 8 điểm còn lại được UBND tỉnh bố trí vào nguồn vốn trung dài hạn của tỉnh để tiếp tục khắc phục, xử lý trong thời gian tới.

Theo ông Thư, cái khó của địa phương hiện nay là ngân sách để xây dựng 16 cụm tuyến dân cư phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai để bố trí hơn 5.300 hộ dân vào ở, vì tổng kinh phí đầu tư cần tới 1.500 tỷ đồng. Hiện, UBND tỉnh An Giang đã có báo cáo với Bộ NN&PTNT để xin ý kiến Chính phủ hỗ trợ An Giang xây dựng các khu dân cư bố trí hàng nghìn hộ dân này, nhằm bảo vệ tính mạng và tài sản người dân, ổn định cuộc sống khi thiên tai, sạt lở diễn biến ngày càng phức tạp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cũng cho rằng, không chỉ riêng An Giang và nhiều tỉnh ĐBSCL cũng như nhiều tỉnh khu vực phía Bắc cũng bị tác động nặng nề từ thiên tai, như: sạt lở, lũ lụt, sạt lở núi, lũ ống… Do đó, nếu các tỉnh đều trông chờ vào nguồn tiền từ ngân sách phân bổ sẽ khó thực hiện các dự án mang tính cấp bách này.

Đấu giá mỏ cát sông, mức khởi điểm 7,2 tỷ, giá trúng thầu gần 3.000 tỷ - 2

Khu vực cảnh báo sạt lở tại xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang (Ảnh: Nguyễn Hành).

Do đó, theo ông Trần Anh Thư, các Bộ, ngành Trung ương nghiên cứu cho các tỉnh đầu tư các cụm, tuyến dân cư này theo hình thức xã hội hóa. Nhà nước giao đất, doanh nghiệp thực hiện việc đầu tư cơ sở hạ tầng và chỉ sử dụng 30% số nền đất trung tâm, 70% đất nền còn lại giao lại cho Nhà nước bố trí cho người dân bị ảnh hưởng bởi sạt lở, thiên tai.

Cũng theo ông Trần Anh Thư, trước đây, Bộ Xây dựng đã từng đồng ý cho thực hiện hình thức đầu tư này nhưng sau đó, do vướng Nghị định 25 về quy định trong đấu thầu xây dựng khu dân cư, khu đô thị nên việc xây dựng cụm tuyến dân cư theo hình thức xã hội hóa bị ách lại.

Đấu giá mỏ cát sông, mức khởi điểm 7,2 tỷ, giá trúng thầu gần 3.000 tỷ - 3

Các tỉnh miền Tây cần nguồn tiền xây dựng các cụm dân cư bố trí hàng nghìn hộ dân ảnh hưởng bởi thiên tai, sạt lở nhưng trông chờ vào ngân sách thì khó thực hiện nên cần có cơ chế xã hội hóa việc đầu tư khu dân cư mang nhiều ý nghĩa xã hội này (Ảnh: Nguyễn Hành)

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư lại cho rằng,  quy định trong Nghị định 25 áp dụng cho việc đầu tư xây dựng các khu dân cư, đô thị mang tính quy mô, nhằm hạn chế năng lực nhà thầu yếu kém, dẫn đến dự án treo. Còn việc thực hiện một cụm, tuyến dân cư phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai quy mô nhỏ, đối tượng phục vụ phần lớn là những hộ dân bị ảnh hưởng bởi sạt lở, thiên tai thì các Bộ, ngành Trung ương cần xem xét lại điểm vướng mắc này, nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, cũng để các địa phương có cơ chế xây dựng các cụm tuyến dân cư, giúp hàng nghìn hộ dân sớm có chỗ ở ổn định, an tâm lập nghiệp.

Sạt lở nhưng "việc khai thác cát sông không thể dừng"

Liên quan đến vấn đề khai thác cát mà nhiều người cho rằng là "tội đồ" gây nên tình trạng sạt lở, Phó Chủ tịch An Giang Trần Anh Thư cho rằng, các tỉnh miền Tây đang có dấu hiệu lún, do đó các công trình hạ tầng có nhu cầu nâng cao cốt nền. Ngoài ra, những công trình giao thông, xây dựng trọng điểm không thể không thực hiện. Do đó, việc khai thác cát sông không thể dừng lại khi chưa có vật liệu nào thay thế cho nhu cầu san lấp mặt bằng.

Đấu giá mỏ cát sông, mức khởi điểm 7,2 tỷ, giá trúng thầu gần 3.000 tỷ - 4

Hiện nay, qua quan trắc, ngành chức năng An Giang ghi nhận 52 điểm nằm trong nguy cơ cảnh báo sạt lở, trong đó có hơn 5.300 hộ dân cần di dời khẩn cấp ra khỏi khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm (Nguyễn Hành). 

Tuy nhiên, vấn đề quản lý, khai thác khoáng sản tài nguyên cát hiện nay thế nào mới là chuyện cấp thiết cần quan tâm. Như An Giang, giải pháp trước mắt là hạn chế công trình khai thác cát, bằng cách tổ chức đấu thầu nhưng hạn chế lượng cát khai thác. Ngoài ra, đối với giấy phép khai thác hết hạn của các công ty được cấp trước đây, UBND tỉnh không cấp mới, các giấy phép sắp hết hạn cũng sẽ không gia hạn.

UBND tỉnh An Giang chỉ ưu tiên cấp phép khai thác cát sông tại các công trình nạo vét, chỉnh trị dòng chảy. Lượng cát này đang chiếm đến 80% tổng lượng cát đang khai thác trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình nạo vét, bùn cát chiếm khối lượng lớn nhưng chưa có công nghệ chuyển hóa thành vật liệu san lấp, chỉ có thể bơm bồi vườn cây của người dân.

Đấu giá mỏ cát sông, mức khởi điểm 7,2 tỷ, giá trúng thầu gần 3.000 tỷ - 5

Hiện nay, tỉnh An Giang hạn chế cấp quyền khai thác cát sông, ưu tiên các công trình nạo vét, chỉnh trị dòng chảy để tận dụng nguồn cát này phục vụ các công trình trên địa bàn tỉnh (Ảnh: Nguyễn Hành).

Còn về lâu dài, lãnh đạo tỉnh An Giang cho rằng, cần quy hoạch lại các khu dân cư, đô thị, khu công nghiệp, tránh bố trí ven sông; tập trung vào các công trình nạo vét, chỉnh trị dòng chảy, hạn chế đấu giá khai thác cát, chỉ tổ chức đấu thầu và hạn chế khối lượng cát khai thác.

Ngày 26/3, Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh An Giang tổ chức các cuộc đấu giá quyền khai thác khoáng sản cát sông làm vật liệu xây dựng đối với mỏ cát trên sông Tiền (xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới) và mỏ cát trên sông Hậu (thuộc xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú và xã Phú Hiệp, huyện Phú Tân).

Mỏ Bình Phước Xuân có trữ lượng dự kiến khai thác hơn 2,3 triệu m3, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản khởi điểm tạm tính tương đương 7,2 tỷ đồng.

Cuộc đấu giá trải qua 45 vòng, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trúng đấu giá là 1.951%, tạm tính là 2.811 tỷ đồng, tăng 390 lần.  Đơn vị trúng đấu giá là một doanh nghiệp tại TPHCM.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại pháp nhân này vẫn chưa chứng minh năng lực tài chính và nộp tiền trúng đấu giá lần đầu. Do đó, Sở TN-MT đề xuất với UBND tỉnh An Giang hủy kết quả phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản mỏ cát sông Tiền.

Nguyễn Hành

Mới hơn Cũ hơn